19 thg 6, 2012

Những cuộc “tấn công” mới đầy hy vọng


Trong khi Charlie Nguyễn, Victor Vũ hay Nguyễn Trọng Khoa đã tạo dựng được những vị trí riêng trong giới điện ảnh Việt thì một thế hệ đạo diễn Việt kiều mới đã kịp hình thành, gồm ba cái tên gây nhiều chú ý trong thời gian qua – Lê Văn Kiệt, Cường Ngô và Nguyễn Đức Minh.
 
Trong vòng nửa thập kỷ qua, làn sóng phim Việt kiều thực sự bùng nổ ở Việt Nam. Càng lúc càng nhiều đạo diễn gốc Việt trở về quê hương làm phim. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được những thành công đáng kể như Charlie Nguyễn với "Dòng máu anh hùng" (2006) hay Victor Vũ với "Chuyện tình xa xứ" (2009).
Sau 5 năm, cả hai đã cho ra đời thêm một số tác phẩm gây chú ý tại phòng vé như "Để mai tính", "Cô dâu đại chiến", "Lòng ruồi" hay "Thiên mệnh anh hùng". Thành công như Charlie Nguyễn, Victor Vũ không chỉ là cái mốc để các đạo diễn trẻ Việt kiều học tập mà thậm chí cả nhiều đạo diễn trong nước cũng mong muốn vươn tới.
Trong vòng hai tháng từ sau phim Tết tới nay, khán giả liên tiếp được đón nhận những tác phẩm mới của điện ảnh Việt tại rạp chiếu, do các đạo diễn Việt kiều mà tên tuổi còn rất mới thực hiện. "Ngôi nhà trong hẻm" (đạo diễn Lê Văn Kiệt), "Ngọc Viễn Đông" (đạo diễn Cường Ngô) và"Chạm" (đạo diễn Nguyễn Đức Minh) là bộ ba phim mang đến hơi thở mới cho làn sóng phim Việt kiều.
“Chạm” vào “Ngọc Viễn Đông” ở “Ngôi nhà trong hẻm”
Sự xuất hiện của Lê Văn Kiệt, Cường Ngô và Nguyễn Đức Minh tại các rạp chiếu Việt ở thời điểm khá gần nhau, nhưng sự quan tâm của dư luận với tác phẩm ra mắt quê nhà của họ thì rất khác nhau. "Ngôi nhà trong hẻm" được quảng cáo rầm rộ từ trước khi ra mắt với những hình ảnh hứa hẹn cho một phim kinh dị “đúng chất” nhất của Việt Nam từ trước tới giờ. Việc mời được Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn – hai diễn viên nổi tiếng kén chọn kịch bản – cũng khiến cái tên Lê Văn Kiệt gây nhiều tò mò hơn. Tuy nhiên, phim lại gây thất vọng từ khâu kịch bản, quay phim cho tới dựng phim, lời thoại và chỉ sau hơn hai tuần đã “không kèn không trống” ra khỏi các rạp chiếu.
Tương tự thế, "Ngọc Viễn Đông" của Cường Ngô cũng được chú ý từ khi trong quá trình thực hiện bởi quy tụ dàn mỹ nhân hàng đầu của điện ảnh Việt qua các thời kỳ như Kiều Chinh, Như Quỳnh, Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân… Khi ra mắt, phim nhận được nhiều ý kiến khen chê trái chiều. Nhiều người thích thú với những khuôn hình đẹp đẽ, nên thơ nhưng không ít người lại cho rằng, chính vì đẹp mà trau chuốt quá nên phim giống một video ca nhạc hơn là một tác phẩm điện ảnh.
Ra rạp sau cùng, không được quảng bá rầm rộ như hai phim trước bởi không có sự tham gia của dàn sao nào, nhưng "Chạm" của Nguyễn Đức Minh lại gây nhiều bất ngờ. Câu chuyện nhẹ nhàng, sâu sắc, tinh tế dễ đi vào lòng người của phim đã thực sự “chạm” tới cảm xúc người xem. Hiệu ứng truyền miệng của khán giả cũng khiến "Chạm" trở thành một cái tên được nhiều người xem chú ý đến.
Làn gió mới của phim Việt kiều?
Bộ ba Lê Văn Kiệt, Cường Ngô và Nguyễn Đức Minh đều có những điểm mạnh và mặt hạn chế riêng. "Ngôi nhà trong hẻm" dù bị chê tơi tả nhưng qua cách thực hiện vẫn có thể thấy Lê Văn Kiệt là một đạo diễn trẻ có quan hệ tốt với những “nhân vật quan trọng” trong giới sản xuất phim Việt Nam. Điểm yếu của Kiệt là sự “non tay”, bằng chứng là phim còn rất nhiều “sạn” về kịch bản, góc quay cùng cách dựng phim dễ dãi tạo cảm giác mệt mỏi, nhàm chán cho khán giả. Có chăng, Lê Văn Kiệt nên thử một dòng phim mới như tâm lý tình cảm hay hành động, hơn là sa lầy vào dòng phim kinh dị - vốn đã rất khó thực hiện làm sao để ra “chất” ở điện ảnh Việt Nam.
Qua "Ngọc Viễn Đông", có thể thấy Cường Ngô là người biết cách khai thác các ý tưởng mới lạ cho điện ảnh Việt. Một thế mạnh nữa của anh là khả năng truyền tải văn hóa, bản sắc dân tộc khá tốt nên đây thực sự là một phim quảng bá tuyệt vời cho du lịch Việt Nam khi khắc họa được những vẻ đẹp của non sông ba miền cũng như số phận những người phụ nữ ở từng thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, điểm yếu của Cường Ngô thể hiện trong bộ phim đầu tay là anh quá chú trọng vào phần thị giác mà bỏ quên đi việc dẫn dắt cảm xúc cho khán giả. 7 câu chuyện trong "Ngọc Viễn Đông" có thể rất đẹp nhưng chưa có sự xâu chuỗi chặt chẽ để tạo được hiệu ứng buộc khán giả phải tập trung theo dõi.
Nguyễn Đức Minh thể hiện “tay nghề” rất ổn qua phim đầu tay – "Chạm". Anh kể một câu chuyện đơn giản, gần gũi về những người phụ nữ gốc Việt làm nghề nail ở Mỹ bằng cách đưa những yếu tố đời thường vào trong câu chuyện của mình. Nhưng điểm bất lợi của anh là sống ở Mỹ từ nhỏ nên có thể văn hóa Việt bản xứ vẫn còn khá xa lạ với anh. Khán giả trong nước có thể thưởng thức một vài tác phẩm nói về Việt kiều, nhưng không thể xem mãi những câu chuyện như vậy. Đến một lúc nào đó, họ cần một cái gì đó gần gũi với cuộc sống ở Việt Nam hơn, gần gũi với văn hóa sinh hoạt hàng ngày hơn thì đó sẽ là một thử thách lớn cho Nguyễn Đức Minh khi muốn chinh phục khán giả ở quê hương.
Cả ba đạo diễn Việt kiều trẻ đều đang chuẩn bị cho những dự án mới của mình. Lê Văn Kiệt đang ấp ủ những kế hoạch mới sau khi bộ phim thứ hai, "Bẫy cấp ba", bị cấm phát hành tại Việt Nam. Sau "Ngọc Viễn Đông", Cường Ngô cũng tiết lộ một vài dự án mới, trong đó sẽ có một tác phẩm mang tính thương mại, giải trí cao. Trong khi đó, Nguyễn Đức Minh cũng đang tiến hành chuẩn bị thực hiện bộ phim thứ hai của anh, vẫn lấy bối cảnh tại Mỹ. Việc bộ ba này có kế thừa được thế hệ của Charlie Nguyễn và Victor Vũ hay không vẫn còn là một câu hỏi mà câu trả lời có lẽ sẽ nằm ở bộ phim tiếp theo của họ ra mắt tại quê hương.

Theo Sành điệu

0 nhận xét:

Viết nhận xét...