27 thg 4, 2012

Sang trọng - Sầu muộn và Quý phái


Cuối cùng cái mà chúng ta có thể nói chỉ là: Guerlain Mitsouko, cũng như những gì xung quanh nó, luôn là một ẩn số nghệ thuật!
Trải qua 5 thế hệ, khi nhắc tới thương hiệu Guerlain người ta nhớ tới những mùi hương đã trở thành huyền thoại như: Jicky, Après L’Ondée, L’Heure Bleue, Champs-Elysees, L’Instant de Guerlain, Shalimar… Trong số đó, không thể không nhắc đến Guerlain Mitsouko.
Nàng thơ Mitsokou bí ẩn
Nàng thơ được xem là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của loại nước hoa này là Mitsouko, người phụ nữ xinh đẹp và thời trang, nhân vật nữ chính trong “La Bataille” của Claude Farrère (1876-1957).
Trong cuốn tiểu thuyết này, Mitsouko là vợ của Đô đốc Nhật Bản Togo. Cô đem lòng say mê chàng sĩ quan người Anh trên chiến thuyền Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1905. Cô đi qua cuộc chiến cùng hai người đàn ông, chờ họ trở về, và cuối cùng phải chôn chặt cảm xúc của mình. Câu chuyện không có gì mới, cũng giống như những câu chuyện sến sẩm về tình yêu của các loại nước hoa khác, nhằm mục đích nâng cao trí tưởng tượng của phụ nữ và khơi gợi sự tò mò của đàn ông. Nhưng câu chuyện lại gợi cảm hứng cho ông chủ hãng Guerlain và tại thời điểm Guerlain Mitsouko ra đời, nhiều người cho rằng ngài Jacques Guerlain có một người tình Nhật Bản.
Cũng có người nói, ông chịu ảnh hưởng bởi Mitsouko Coudenhove-Kalergi, cô gái được sinh ra trong một gia đình thương gia giàu có ở Nhật Bản. Cô đem lòng yêu Count Heinrich Coudenhove-Kalergi (người Áo), kết hôn với ông năm 1892 và chuyển tới Vienna sinh sống. Thời bấy giờ, việc Count kết hôn với một cô dâu châu Á đã gây ra nhiều phản đối ở châu Âu và Mitsouko đã phải sống một cuộc đời khá đau khổ.
Dù sao đi chăng nữa, Guerlain Mitsouko không phải là một loại nước hoa có lịch sử ra đời vui vẻ, dư âm buồn bã trong câu chuyện của (những) nàng thơ một phần nào đó ảnh hưởng đến tiếng tăm của loại nước hoa này những năm đầu khi nó ra đời. Những câu chuyện đó cũng được thêu dệt thành những “bí ẩn huyễn hoặc” gây tò mò cho cả thế hệ hôm nay.
Thứ nước hoa “bị ám”?
Hiếm có loại nước hoa nào như Guerlain Mitsouko, không chỉ là mùi hương kinh điển được cả thế giới ngưỡng mộ mà còn là loại nước hoa vướng vào khá nhiều lời đàm tiếu. Lịch sử của nó gắn liền với Les Années Folles - giai đoạn mà người Pháp đặt cho một cái tên khá mỹ miều: những năm điên cuồng. Câu chuyện của Guerlain Mitsouko trong những năm điên cuồng ấy gắn liền với điện ảnh!
Nhân vật đầu tiên có mối quan hệ huyền bí với Mitsokou là Jean Harlow - nữ diễn viên Mỹ, biểu tượng sex của thập niên 1930, một trong những người đàn bà đẹp nhất mọi thời đại. Cô nổi tiếng với mái tóc vàng sáng, xuất hiện thường trực trong những chiếc váy bằng vải sa tanh bó sát, khoe ngực. Harlow từng là thần tượng của Marilyn Monroe, người tôn sùng cô hết mực, và cả Madonna - nữ hoàng nhạc Pop, người đã góp phần làm tên tuổi Harlow trở nên bất tử với bản hit “Vogue” năm 1990.
Jean Harlow 
Harlow ban đầu thủ vai chính trong một số bộ phim và phần lớn được tạo hình để phô bày những nét gợi cảm đầy ma lực, trước khi chuyển sang những vai có chiều sâu và gặt hái nhiều thành công hơn. Sự nổi tiếng lẫy lừng của Harlow thực sự tương phản với cuộc đời thực của cô - đầy những tuyệt vọng, bi kịch và cuối cùng là cái chết đột ngột vì suy thận năm 26 tuổi.
Mối liên hệ giữa Guerlain Mitsouko và Jean Harlow bắt đầu từ bộ phim “Bữa tối lúc 8 giờ” khi cô sử dụng Guerlain Mitsouko cho một vài cảnh quay – đây cũng là mùi hương ưa thích của nữ minh tinh. Mặc dù, với mái tóc vàng bạch kim, cô nên sử dụng L’Heure Bleue – loại nước hoa dành riêng cho các nàng tóc vàng, còn Guerlain Mitsouko khi ra đời ý định đầu tiên của nó là dành cho những người tóc nâu. Tuy nhiên, Jean Harlow chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó. Cô thích sử dụng cả hai loại nước hoa cùng lúc, cũng như việc cô đã cho ôxy già, chất ammoniac, clorox và cả xà phòng Lux lên mái tóc sẫm màu của mình để có một mái tóc vàng sáng.
Một trong những câu chuyện không may mắn của cuộc đời Jean Harlow là khi người chồng đầu tiên của cô, nhà sản xuất MGM Paul Bern tự sát chỉ 2 tuần sau đám cưới. Người ta đồn rằng chứng bất lực đã đẩy chồng cô đến hành động tuyệt vọng này. Người ta cũng đồn rằng ông đổ mùi hương yêu thích của vợ mình lên toàn cơ thể trước khi tự vẫn.
Sau rất nhiều cố gắng nhưng không cuộc hôn nhân nào thành công, Jean biện hộ rằng cả 3 cuộc hôn nhân của cô, đều là “những cuộc hôn nhân bất tiện.” Có lẽ nguồn cảm hứng từ những câu chuyện tình buồn của nước hoa Mitsouko gây ảnh hưởng khá nhiều tới đời sống hôn nhân của Jean Harlow?!
Tất cả chỉ là dự đoán! Nhưng những ngờ vực về việc “bị ám” ngày càng tăng khi những câu chuyện không rõ thực hư về Guerlain Mitsouko ngày càng nhiều. Chuyện kể rằng một số khách hàng nổi tiếng khác, như chủ doanh nghiệp Les Ballets Russes, đạo diễn ba lê Sergei Diaghilev hay vua hài Charlie Chaplin đều có kết thúc liên quan đến Guerlain Mitsouko. Sergei Diaghilev đã cho thấm ướt chiếc rèm cửa phòng ông bằng nước hoa Mitsouko trước khi qua đời!
Mùi hương gây tranh cãi
Bất chấp kỹ thuật vượt trội và thiết kế xa hoa của nó, Mitsouko vẫn bị gọi là loại nước hoa “sặc mùi phim khiêu dâm”. Trong một quyển sách xuất bản năm 1993, Luca Turin, một nhà sinh học và cũng là cây bút nổi tiếng, đã từng nói rằng Mitsouko không phải là mùi hương quyến rũ.
Nhận xét này gây ra khá nhiều tranh cãi, liệu ông có thực sự nhận thấy nó không quyến rũ hay ông cố tình hạ thấp nó bằng những mánh khóe khá ti tiện kiểu đàn bà. Nhưng theo rất nhiều nghiên cứu xã hội, bất chấp Mitsouko được chị em phụ nữ yêu quý đến mức nào, nó vẫn là mùi hương mà đàn ông phương Tây không liệt vào hàng sexy-một-cách-truyền-thống. Họ vẫn thích những mùi cơ bản như hương cam, mùi hương có thể truyền tải ý tưởng của sự hấp dẫn và những gần gũi tình dục một cách dễ dàng, tinh tế hơn, như Rochas Femme, Diorama, hay thậm chí là YSL Yvresse. Trong khi Mitsouko được làm từ trái cây ngọt ngào, bản chất đã có hương vị nồng, thêm phẩm chất “vàng” với việc bị tiêm thêm thuốc kích thích chín gấp (trái cây có thể dễ dàng chuyển từ chín sang chín nẫu, hệt như phụ nữ) được xem là trường hợp ngoại lệ trong họ những mùi đa hương như “Chypre”. Nước hoa họ này giữ mùi rất lâu và ấm như khí hậu của đảo Síp ở Địa Trung Hải mà nó mượn tên.
Trong tác phẩm kinh điển của Louis Bunuel - “Belle de Jour” - người vợ mới cưới (Catherine Deneuve thủ vai) của vị giáo sư đáng kính, trước khi trở thành gái bán hoa trong một buổi chiều định mệnh, đã vô tình đập vỡ một chai Mitsouko. Liệu có loại nước hoa nào có thể gây hiệu ứng tương tự trong một bối cảnh như thế? Điều này không ai dám chắc được...
Susan Irvine – cây bút chuyên viết về nước hoa – đã chia sẻ cảm giác của cô trong một ngày ở Paris, tình cờ đi chung taxi với một người phụ nữ (dùng Mitsouko) có mùi hương mà theo như cô miêu tả: “Chúa muốn phụ nữ có mùi hương đó: sang trọng, sầu muộn và quý phái”.
Có thể điều thú vị nhất của Mitsouko trong ý niệm gợi tình của nó chính là việc đặt ra vấn đề: Một người nên và sẽ có mùi như thế nào? Người Nhật ở thế kỷ 19 xem những “con buôn phương Tây” là những “batakusai”, dịch đơn giản có nghĩa là “thỏi bơ thối”, dựa vào việc họ dùng nhiều bơ và có một làn da trơn láng; trong khi người Anh lại xem người Nhật “tanh như cá” với ý chế giễu chế độ ăn kiêng của dân Nhật. Làm sao mà một sỹ quan người Anh và một phu nhân người Nhật lại có thể dung hòa được giữa những mùi hương đầy bản năng kia? Ngày nay, Mitsouko trở thành loại nước hoa bán chạy nhất của Guerlain tại Nhật Bản, một điều đi ngược lại truyền thống được thừa nhận rộng rãi là người Nhật chỉ dùng loại nước hoa có mùi rất “dịu nhẹ”.
Sự giao hòa của nồng ấm, u uẩn, tinh tế và... gợi tình
Jean Harlow
Mitsouko ra đời ở “những năm điên cuồng” đó thực sự là một cuộc cách mạng! Sáng kiến chiết xuất vỏ quả đào được xem như mùi chính của hương thơm Guerlain. Việc kết hợp Persico cơ bản tạo nên hiệu ứng mùi đào nồng ấm, bổ sung thêm hương rêu sồi u uẩn và hương cam tươi trẻ sau cùng - vậy là đã tạo thành dòng hương cam cổ điển.
Đặc biệt trong dòng Eau de Toilette vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay nó còn được điểm thêm chút cay nồng gợi nhớ đến hương vị quế và đinh hương. Mitsouko cũng tận dụng cả hoa hồng, tinh dầu hoa cam (dòng sản phẩm chưng cất từ hoa cam có mùi hương dịu nhẹ), gỗ, hương bài và cây hoắc hương tạo nên một công thức ngắn gọn nhưng súc tích, cân bằng giữa cách thức của một nhà bào chế và một người làm bánh. Vỏ cam có tác dụng làm dịu mọi loại thảo mộc, trong khi mùi của hoa thì thường rất nhẹ và hòa quyện rất tốt với các mùi khác. Xét về khái niệm thanh lịch, thì Mitsouko quả thực rất thanh lịch, nhưng cũng không hề lấn át cảm giác gợi tình của nó.
Nếu như bạn đã thử và vẫn không thấy thích thì không có lý do gì để ép buộc bạn nữa, bởi tôi vẫn cho rằng nó là mùi hương “xinh đẹp và thông minh”; nhưng bạn hãy nhớ dành cho nó cơ hội lần sau, vào một thời điểm khác, thời tiết khác (điều kiện tuyệt vời nhất để dùng mùi hương này là vào những ngày mưa như trút nước) và một tâm trạng khác. Cuối cùng, theo như quyển sách “The Bombshell Manual of Style” có viết: “Mitsouko có nhiều giác quan để khám phá hơn cả Rita Hayworth nhảy vũ điệu Seven Veils as Salome”.
Dòng Vintage parfum extrait với mùi đậm và thơm mát mang lại cho Mitsouko một tính chất đặc biệt: thỏa mãn khứu giác. Mùi rong hồi u uẩn mà nồng nàn của dòng Eau de Toilette và Parfum de Toilette từ những năm 1980 và đầu những năm 1990 thì lại mang nét tinh tế của một không gian yên bình, phủ đầy rong rêu. Dòng Eau de Toilette hiện đại được tái chế bởi Edward Flechier là phiên bản gần với ý tưởng gốc nhất, trong khi phiên bản Eau de Toilette hiện nay có vẻ nhẹ mùi và lan tỏa dịu hơn.
Guerlain Mitsouko có thiết kế rất cổ điển, hình trái tim ngược. Và thực sự nếu L’Heure Bleue mơ mộng, suy tư và lãng mạn như La Belle Epoque, thì Mitsouko lại huyền bí và phóng khoáng, không giống bất kỳ một loại nước hoa nào.
Cuối cùng cái mà chúng ta có thể nói chỉ là: Guerlain Mitsouko, cũng như những gì xung quanh nó, luôn là một ẩn số nghệ thuật!

Theo Đẹp

0 nhận xét:

Viết nhận xét...